Tạo website bán hàng online chuyên nghiệp bằng wordpress

Bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn tự tạo website bán hàng online chuyên nghiệp bằng wordpress chuẩn SEO từ A đến Z với đầy đủ các tính năng như một trang web thương mại điện tử.

Bài viết này mình viết khá chi tiết đầy đủ các bước để người không biết gì về kỹ thuật cũng có thể làm theo được nên sẽ hơi dài, bạn chịu khó nghiên cứu nhé. Mình có thể bỏ công nhiều ngày để viết được thì mình tin việc các bạn dành thời gian để nghiên cứu nó cũng không thành vấn đề, thành quả sẽ đến với bạn khi bạn hoàn thành nó.

Với xu hướng thói quen mua sắm online của khách hàng ngày càng tăng hiện nay. Việc bạn sở hữu một website chuyên nghiệp và tối ưu để dễ dàng lên top các công cụ tìm kiếm, giống như là bạn đang sở hữu một cửa hàng mặt tiền ở phố lớn với mức chi phí bằng 0.

Đặc biệt với xu hướng các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng thắt chặt việc kiểm duyệt đăng bán sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm của bạn không thể đăng trên các sàn TMĐT. Các trang fanpage thì bị hạn chế hiển thị đòi hỏi bạn phải bỏ tiền ra chạy quảng cáo mới có khách, thậm chí lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí.

Vậy làm sao để bạn có thể thu hút được khách hàng biết đến sản phẩm của bạn mà lại không tốn quá nhiều chi phí. Đó chính là tự tạo website bán hàng online chuẩn SEO để dễ dàng lên top các công cụ tìm kiếm như google search, cốc cốc search, bing, yahoo…

Vậy tạo website bán hàng có khó không? Phải bắt đầu từ đâu? Có tốn nhiều chi phí không? là câu hỏi của hầu hết mọi người khi có nhu cầu.

Hiện nay trên mang có rất nhiều bài viết hướng dẫn tạo website bán hàng online miễn phí, vậy có đúng không. Thực chất để có một website bạn bắt buộc phải mất ít nhất 2 khoản chi phí đó là: chi phí mua tên miền và chi phí mua hosting để lưu trữ dữ liệu của website. (Một số bên cung cấp dịch vụ có thể hỗ trợ chi phí này nhưng bạn sẽ mất chi phí cho nhiều dịch vụ khác của họ và bị phụ thuộc rất nhiều nếu muốn thay đổi chỉnh sửa gì cho website lại mất thêm chi phí).

Ngoài ra bạn có thể phải mất thêm chi phí thuê người thiết kế giao diện cho website, bổ sung thêm các chức năng. Càng nhiều chức năng thì chi phí càng cao. Mà thực ra bạn lại có thể tự làm tất cả những việc này và tiết kiệm được một khoản nếu chịu khó một chút và làm theo các hướng dẫn chi tiết của mình trong bài viết này:

Bước 1: Mua tên miền và hosting.

  • Hiện nay có rất nhiều nhà đăng ký tên miền và cung cấp hosting uy tín như: Mắt bão, PA Việt Nam, inet…
  • Ở đây mình sẽ hướng dẫn các bạn mua tên miền và hosting của inet đơn vị mà mình đã sử dụng nhiều năm và thấy chất lượng rất ổn:
    • Tên miền: giá của các bên như nhau.
    • Hosting: cấu hình cao hơn hẳn các nhà cung cấp khác với cùng mức giá.
  • Trước tiên bạn truy cập vào trang mua tên miền của inet tại đây.
    • Bạn nhập tên miền website mà bạn muốn đăng ký để kiểm tra xem tên miền đó còn không hay đã có người mua rồi. Bạn nên chọn các đuôi tên miền quốc tế phổ biến như: .com hoặc .net cho rẻ. Nếu bạn là doanh nghiệp có thể chọn .vn nhưng giá sẽ đắt hơn.
    • Bạn chọn được tên miền của mình rồi thì bấm vào “Chọn mua” như phần khung mình khoanh đỏ ở dưới.
lựa chọn tên miền của bạn
Lựa chọn tên miền của bạn
  • Tiếp theo bạn bấm vào “Tiếp tục mua hàng
tiếp tục mua hàng
Bấm vào tiếp tục mua hàng
  • Ở phần Web Hosting bạn chọn gói A, với gói này bạn có thể sử dụng cho 1 website; nếu bạn có nhiều hơn 1 website thì có thể chọn gói B,C theo nhu cầu sử dụng của bạn. Giá của gói A là 49.000đ/tháng
lựa chọn gói hosting a của inet
Lựa chọn gói hosting a của inet
  • Bạn bấm vào “Tiếp tục đến giỏ hàng” để chuyển đến trang Giỏ hàng. Tại đây bạn sẽ thấy tổng số tiền mua tên miền và hosting trong 1 năm của bạn. Tại thời điểm mình viết bài này đang là 909,700đ đã bao gồm thuế GTGT VAT, tại thời điểm bạn mua có thể giá sẽ khác một chút do điều chỉnh về khuyến mại của nhà cung cấp. Tại đây mục “Sử dụng mã khuyến mại” bạn nhập mã COUPON30 và bấm áp dụng sẽ được giảm 30% giá hosting.
Giỏ hàng inet
Giỏ hàng inet
  • Sau khi áp dụng mã khuyến mại tổng số tiền bạn thanh toán đã giảm như hình bên dưới. Tiếp theo bạn bấm vào nút “Tiếp tục” màu đỏ để chuyển đến trang xác nhận thông tin của bạn.
Nhập mã COUPON30 của inet giảm 30%
Nhập mã COUPON30 của inet giảm 30% giá hosting
  • Xác nhận thông tin: bạn điền chính xác đầy đủ thông tin của bạn.
Xác nhận đơn hàng inet
Xác nhận đơn hàng inet
  • Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức:
    • Thanh toán online: nếu chọn hình thức này bạn cần có thẻ ATM nội địa hoặc thẻ quốc tế hoặc ví momo. Với hình thức này sau khi thanh toán xong đơn hàng của bạn sẽ ở trạng thái thành công luôn mà không phải qua bước chờ xử lý đơn hàng nữa.
    • Thanh toán qua ngân hàng: nếu bạn không muốn thanh toán qua các hình thức trên bạn có thể lựa chọn thanh toán qua ngân hàng bằng chuyển khoản vào số tài khoản của công ty inet. Ở bài viết này mình sẽ hướng dẫn chọn hình thức này để hướng dẫn cho các bạn vì hầu như ai cũng có tài khoản ngân hàng.
Các hình thức thanh toán online
Các hình thức thanh toán online
  • Sau khi bạn bấm vào “Thanh toán qua ngân hàng” sẽ chuyển đến bước Hoàn thành: tại đây bạn sẽ thấy đơn hàng đã được đưa vào trạng thái chờ xử lý, bạn kéo xuống dưới lựa chọn tài khoản ngân hàng bạn muốn chuyển khoản. Sau đó bạn chuyển khoản với nội dung: Thanh toan don hang ma-so-don-hang-cua-ban … . Ví dụ: như hình bên dưới đơn hàng của mình có mã số là 472508 thì mình sẽ chuyển khoản với nội dung là Thanh toan don hang 472508. Còn của bạn sẽ là một số khác, bạn thay số của bạn vào.
Thanh toán qua ngân hàng thành công
Thanh toán qua ngân hàng thành công
Số tài khoản ngân hàng của inet
Số tài khoản ngân hàng của inet
  • Sau khi bạn chuyển khoản thành công, bạn chờ một lúc sẽ nhận được email thông báo “Xử lý đơn hàng thành công” và email đăng ký mới tên miền, hosting thành công.
  • Tổng chi phí cho tên miền và hosting trong 1 năm khoảng 700k với ổ SSD 20GB băng thông không giới hạn thực sự là mức phí quá rẻ phải không, chỉ cần bán vài sản phẩm là bạn đã hoàn vốn rồi.

Bước 2: Trỏ tên miền về hosting của bạn.

Nếu bạn mua tên miền và hosting của inet thường nhà cung cấp sẽ trỏ thẳng luôn tên miền của bạn vào hosting, trong một vài trường hợp nếu tên miền chưa được trỏ về hosting thì bạn có thể làm theo 1 trong 2 cách sau:

  • Cách 1: Trỏ thông tin thông qua DNS

Đầu tiên bạn truy cập vào trang inet.vn bấm vào phần đăng nhập ở góc trên bên phải màn hình như hình dưới.

Trang chủ inet
Trang chủ inet

Tại trang đăng nhập, bạn nhập email và mật khẩu của bạn. Bạn có thể kiểm tra email sau khi mua tên miền và hosting, inet sẽ gửi cho bạn thông tin tài khoản để đăng nhập lần đầu. Trong trường hợp bạn không tìm thấy email thông báo mật khẩu, bạn có thể bấm vào ô quên mật khẩu bên dưới. Hệ thống sẽ gửi 1 email khôi phục mật khẩu cho bạn.

Đăng nhập inet
Đăng nhập inet

Sau khi đăng nhập bạn bấm lần lượt vào các ô khoanh đỏ như hình bên dưới.

Danh sách tên miền tại inet của bạn
Danh sách tên miền tại inet của bạn

Nếu bạn thấy đã có sẵn 2 dòng ns1.inet.vn và ns2.inet.vn như hình dưới thì bạn chỉ cần bấm vào cập nhật là xong.

Nếu bạn thấy trống không có 2 dòng này thì bạn bấm vào “Sử dụng NDS của iNET” hoặc điền lần lượt 2 giá trị này vào ô “Thêm” và bấm enter, sau đó bấm “Cập nhật” là được.

DNS của Inet
DNS của Inet
  • Cách 2: Trỏ thông tin thông qua Bản ghi

Trước tiên bạn cần lấy địa chỉ iP của hosting của bạn, bạn bấm vào các vị trí lần lượt như hình dưới. Bạn copy dãy iP của bạn lại (lưu ý mỗi hosting có 1 địa chỉ iP khác nhau nhé, nếu bạn có nhiều hosting thì bạn cần lựa chọn đúng hosting để trỏ nhé).

Địa chỉ ip hosting inet của bạn
Địa chỉ ip hosting inet của bạn

Tiếp theo bạn cần truy cập vào phần cập nhật bản ghi cho tên miền, bấm vào các vị trí như hình dưới.

Cập nhật trỏ tên miền theo bản ghi
Cập nhật trỏ tên miền theo bản ghi

Tại đây bạn bấm vào Thêm bản ghi nó sẽ hiện ra dòng để bạn điền thông tin:

Ở bản ghi thứ nhất: bạn điền tên bản ghi là @; Loại bản ghi bạn chọn A; Giá trị bản ghi bạn dán dãy ip lúc này bạn copy vào đây

Ở bản ghi thứ hai: Tên bản ghi bạn điền www; Loại bản ghi bạn chọn CNAME; Giá trị bản ghi bạn điền tên website của bạn vào.

Sau đó bạn bấm vào cập nhật ở 2 hình mình khoanh đỏ để lưu lại.

Cập nhật bản ghi cho tên miền tại inet
Cập nhật bản ghi cho tên miền tại inet

Bạn có thể kiểm tra xem mình đã trỏ tên miền vào hosting được chưa bằng cách mở cửa sổ CMD trên máy tính: bạn bấm vào nút Window(hình cái cửa sổ) + R sau đó gõ CMD và bấm OK nó sẽ hiện ra 1 cửa sổ đen. Bạn gõ ping tenwebcuaban.com và bấm enter nó sẽ ping đến website của bạn và hiện địa chỉ ip lên như hình dưới:

Ping dongocdu.com
Ping dongocdu.com

Bạn kiểm tra nếu địa chỉ ip đúng với địa chỉ ip hosting của bạn thì bạn đã thành công, nếu nó không hiện ra địa chỉ ip của bạn thì bạn cần chờ thêm vài phút hoặc không quá 30 phút để kiểm tra lại.

Vậy là mình đã hướng dẫn các bạn cách trỏ tên miền về hosting của inet thành công, rất đơn giản phải không.

Bước 3: Tạo database, user database cho website bán hàng của bạn

Nếu ổ C trên máy tính của bạn dùng để cài đặt win, lưu trữ dữ liệu cài đặt các phần mềm thì database cũng có chức năng tương tự nhưng được tạo trên hosting. Chúng ta cần tạo database để lưu trữ tất cả dữ liệu của website.

Vì inet đã có bài viết hướng dẫn tạo database rồi nên mình sẽ không viết lại trong bài này, các bạn làm theo hướng dẫn ở link này là được.

Bạn cần chú ý lưu lại các thông tin sau ra 1 file để khi cài đặt wordpress chúng ta sẽ cần add các giá trị này vào và cũng để cấu hình trong file wp-config.php;

Ví dụ như ở bài hướng dẫn của inet ở link trên sẽ có các thông tin tương ứng bên dưới:

  • Tên máy chủ:  localhost
  • DatabaseName:  kitescom_user
  • UserDatabase: kitescom _data
  • PasswordUser:  mật khẩu

Bước 4: Cài đặt WordPress cho website bán hàng.

Bước cài đặt wordpress cho website inet cũng có bài hướng dẫn chi tiết rồi nên mình cũng sẽ không viết lại trong phần này, các bạn truy cập vào đây để xem hướng dẫn chi tiết. Bạn cần chú ý ở 2 phần step 3 và step 5 như sau:

Step 3: Nhập thông tin tài khoản quản trị web (tài khoản này dùng để đăng nhập vào giao diện quản trị nội dung trang web của bạn theo link: tenwebcuaban.com/wp-admin hoặc tenwebcuaban.com/wp-login.php ; bạn thay phần bôi vàng bằng tên trang web của bạn, lưu ý là sau khi cài đặt xong wordpress thì mới truy cập vào đường dẫn đó nhé.

– Admin Username: Nhập tên tài khoản quản trị cao nhất. Tên viết liền không dấu, ví dụ: admin hoặc từ khóa bất kỳ. (Bạn cần ghi nhớ username này).

– Admin Password: Nhập password cho tài khoản quản trị. (Bạn cần ghi nhớ password này).

– Admin Email: Nhập email quản lý dịch vụ website.

Step 5: Các tùy chọn nâng cao:

Database Name: Tên database bạn đã cài đặt và lưu ra file ở bước 3 ở trên.

Table Prefix: Tiền tố bảng cơ sở dữ liệu trong database; mục này tạo ra 1 tiền tố cho tất cả các file được cài đặt vào database, nó có tác dụng giúp phân biệt các database nào thuộc trang web nào trong trường hợp bạn có nhiều web dùng chung 1 database.

Sau khi cài đặt xong wordpress bạn vào tenwebcuaban.com/wp-login.php để tìm hiểu một số chức năng của trang quản trị. Bạn có thể tham khảo ý nghĩa của các chức năng trên thanh menu ở bài viết này.

Nếu giao diện menu của bạn đang là ngôn ngữ tiếng anh thì bạn vào phần Setting/Overview, bạn kéo xuống đến phần Language of the site bạn bấm vào hộp chọn bên cạnh và chọn Vietnamese. Sau đó bạn kéo tiếp xuống dưới bấm vào Save Changes để lưu, hệ thống sẽ chuyển sang ngôn ngữ tiếng việt cho bạn. Tại đây bạn cũng có thể cài đặt một số cài đặt cơ bản cho website như: Tên website, Khẩu hiệu, Địa chỉ WordPress, Địa chỉ trang web, Múi giờ…

Đầu tiên bạn cần làm quen với giao diện của trang quản trị /wp-admin, bạn cần hiểu rõ các chức năng để có thể sử dụng thành thạo. Trông menu có vẻ nhiều nhưng thực ra chúng ta chỉ làm việc chính và thường xuyên với một số chức năng như: bài viết, trang, sản phẩm, woocommerce/đơn hàng. Các chức năng khác chủ yếu hỗ trợ cài đặt ban đầu hoặc rất ít sử dụng. Sau đây mình sẽ hướng dẫn các bạn cấu hình tất cả các cài đặt cần thiết cho website bán hàng online.

Bước 5: Cài đặt Theme cho website bán hàng online

Bạn có thể làm theo hướng dẫn cài đặt theme flatsome cho website của bạn tại đây.

Bước 6: Cài đặt các Plugin cần thiết cho website bán hàng online:

  • Bạn bấm vào phần Plugin/Cài mới, ở khung tìm kiếm bạn gõ tên các plugin muốn cài và bấm “cài đặt”, sau đó bấm “kích hoạt”.
  • Bạn có thể tham khảo một số plugin cần thiết cho website tại đây.
  • Vì đây là bài viết hướng dẫn tạo website bán hàng nên mình sẽ tư vấn cho các bạn cài đặt một số plugin sau:
    • TinyMCE Advanced Bởi Andrew Ozz: là một plugin giúp bạn làm phong phú trình soạn thảo văn bản của WordPress.
    • Yoast SEO Bởi Đội nhóm Yoast: plugin này hỗ trợ bạn tối ưu website chuẩn seo, bản miễn phí sẽ có những hỗ trợ cơ bản; bản trả phí có nhiều chức năng hay.
    • Rank Math SEO Bởi Rank Math: plugin này hỗ trợ bạn tối ưu website chuẩn seo, có nhiều chức năng như bản trả phí của Yoast Seo, hiện tại đang được miễn phí. Bạn chỉ nên cài đặt 1 trong 2 plugin này hoặc Yoast Seo nhé. Không nên cài đồng thời dễ gây xung đột và nặng hosting.
    • WP Super Cache Bởi Automattic: giúp xóa bộ nhớ cache.
    • WooCommerce Bởi Automattic: giúp tạo website thương mại điện tử hỗ trợ nhiều chức năng như: sản phẩm, giỏ hàng, thanh toán … (đã được tích hợp sẵn trong theme flatsome, bạn chỉ cần update lên bản mới nhất là được).
    • Checkout Field Editor for WooCommerce Bởi ThemeHigh: giúp bạn tùy chỉnh các trường thanh toán trở lên đơn giản hơn khi khách đặt hàng, bạn có thể tắt bớt một số trường không cần thiết như tên công ty, email
    • Variation Swatches for WooCommerce Bởi Emran Ahmed: giúp bạn tạo thêm các biến thể cho sản phẩm như: màu sắc, Size, … giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn phân loại sản phẩm khi đặt hàng hơn, website của bạn trông cũng chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
    • Shipping Viet Nam WooCommerce Bởi Hoàng Quốc Long: đây là plugin miễn phí có thể tạo thêm chi tiết địa chỉ khách hàng tại Việt Nam, tích hợp tính phí vận chuyển ngay trên trang thanh toán cho khách hàng. Hiện tại plugin này có thể tùy chỉnh để nhập được mã Tokel của 2 đơn vị vận chuyển là GHN và GHTK.

Bước 7: Một số cài đặt cơ bản khi bạn tạo website bán hàng online.

  • Bạn vào giao diện quản trị tenwebcuaban.com/wp-admin sau đó kéo thanh cuộn xuống phần dưới:
  • Cài đặt/Đọc để cấu hình hệ thống nhận diện trang bạn muốn chọn làm trang chủ và cho nó hiển thị ra bên ngoài giao diện.
    • Bố cục trang chủ: bạn tích vào nút radio  Một trang tĩnh (chọn dưới đây) ở phần “Trang chủ:” nó sẽ hiện ra, bạn bấm vào biểu tượng dấu sổ xuống nó sẽ hiện ra một danh sách tất cả các trang bạn đang có. Bạn bấm lựa chọn trang mẫu hoặc trang chủ, sau đó bạn kéo xuống dưới và bấm vào nút Lưu thay đổi để lưu lại. Vậy là bạn đã cho hiển thị thành công trang bạn muốn thiết kế thành trang chủ của website bán hàng của bạn rồi.
    • Search engine visibility: trong phần cài đặt này bạn sẽ thấy trường này, nếu bạn tích vào hộp kiểm Ngăn chặn các công cụ tìm kiếm đánh chỉ mục website này thì đồng nghĩa với việc bạn chưa cho các công cụ tìm kiếm như google search, bing search … lập chỉ mục cho website của bạn. Thông thường khi bạn chưa hoàn thiện website và chưa đăng đủ nội dung để hiển thị trang web thì nên tích vào đây, khi nào hoàn thiện website cơ bản thì bạn mới nên bỏ nút tích này để công cụ tìm kiếm lập chỉ mục. Khi đó website của bạn mới được xuất hiện trên google search…
    • Tại sao mình lại tư vấn các bạn chưa nên cho website index vội, là vì nếu bạn cho website index quá sớm thì website của bạn chưa có nhiều nội dung. Hay nói cách khác là website của bạn nội dung quá nghèo nàn, sẽ bị các công cụ tìm kiếm đánh giá chất lượng website không cao, gây ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm người dùng. Đồng nghĩa với việc website của bạn sẽ khó mà có thứ hạng cao trên các kết quả tìm kiếm được.
  • Cài đặt/Tổng quan: tại đây bạn cài đặt một số thông số sau:
    • Tên website: bạn nhập tiêu đề cho trang web của bạn, bạn có thể nhập vào tên thương hiệu của bạn hoặc tên công ty hoặc tên miền website tùy ý bạn. Tên này sẽ được hiển thị kèm với tiêu đều của tất cả các trang, chuyên mục, danh mục… của bạn nếu bạn để cài đặt mặc định.
    • Khẩu hiệu: bạn nhập kim chỉ nam trong kinh doanh của bạn.
    • Địa chỉ WordPress (URL): bạn nhập tên website của bạn vào ví dụ như web của mình sẽ đặt là https:dongocdu.com
    • Địa chỉ trang web (URL): bạn nhập tương tự như địa chỉ wordpress (URL)
  • Cài đặt/Viết: bạn nhìn vào mục Chuyên mục mặc định bạn có thể lựa chọn 1 chuyên mục mặc định cho mỗi bài viết khi bạn đăng, nếu mà bạn lỡ quên lựa chọn chuyên mục khi đăng thì bài viết đó sẽ lựa chọn mặc định là chuyên mục này. Sau đó bạn bấm Lưu thay đổi để lưu lại.
  • Cài đặt/Thảo luận: tại đây bạn sẽ cấu hình các chức năng mặc định, phản hồi, email, xét duyệt, dạng hiển thị hình ảnh của thành viên tham gia vào comment trên website của bạn.
  • Cài đặt/Thư viện: bạn sẽ cấu hình các kích thước của hình ảnh, tải tập tin lên. Thường thì bạn sẽ để mặc định.
  • Cài đặt/Đường dẫn tĩnh:
    • Cài đặt cơ bản: bạn tích vào nút radio Tiêu đề bài viết
    • Tùy chọn thêm: ở mục “mặc định danh mục sản phẩm” bạn có thể điền là danh-muc-san-pham ; mục “Mặc định từ khóa sản phẩm” bạn điền tu-khoa-san-pham
    • Đường dẫn tĩnh sản phẩm: bạn có thể chọn dạng “Mặc định” hoặc “Cửa hàng mặc định” hoặc “Tùy biến đường dẫn“. Nếu bạn chọn tùy biến đường dẫn thì bạn có thể điền vào ô bên cạnh từ /product/ (lưu ý là có cả dấu / đó nhé). Sau đó bạn nhớ bấm Lưu thay đổi nhé.
  • Cài đặt/Riêng tư: ở mục này bạn có thể tạo một trang Chính sách bảo mật hoặc không cần tạo cũng được. Nếu bạn tạo và lưu lại thì khi khách hàng đặt hàng ở bước thanh toán nó sẽ hiển thị mục chính sách bảo mật này lên để khách hàng lựa chọn đồng ý trước khi bấm đặt hàng. Thông thường thì ở bước đặt hàng mình hay lược bỏ bớt một số trường không thực sự cần thiết để khác hàng dễ thực hiện đặt hàng mà không bị phân tâm hay rườm rà khó chịu. Nên mình không cài đặt cái này.
  • Cài đặt/Advanced Editor Tools: bạn bấm sang tag Classic Editor (TinyMCE) tại đây nó sẽ hiển thị ra các công cụ hỗ trợ bạn soản thảo văn bản nội dung cho bài viết. Bạn có thể kéo thả một số chức năng ở mục Unused Buttons mà bạn hay sử dụng lên thanh công cụ Toolbars for the Classic Editor để bổ sung thêm chức năng cho thanh công cụ này. Hoặc ngược lại bạn có thể kéo những công cụ bạn không sử dụng xuống dưới để loại bỏ bớt cho nó thông thoáng. Nhớ là bấm Save changes nhé.
  • Cài đặt/WP Super Cache: tương tự như công cụ Tiny MCE, bạn cũng phải cài plugin WP Super Cache nó mới có chức năng này ở đây. Công cụ này giúp bạn xóa bộ nhớ cache của website giúp tăng tốc cho website của bạn. Và đôi khi là nó giúp cho người dùng truy cập vào trang web của bạn sẽ được hiển thị nội dung mới khi họ quay lại. Họ sẽ không bị hiển thị nội dung từ lần truy cập trước đó do bộ nhớ cache trên trình duyệt của họ lưu lại.

Bước 8: Thiết lập các chức năng của một website bán hàng online trong Woocommerce

  • Bạn đăng nhập vào tenwebcuaban.com/wp-admin nếu bạn có chính sách miễn phí ship cho tất cả các đơn hàng hoặc áp dụng đồng giá vận chuyển hoặc mức phí vận chuyển tương ứng với giá trị của đơn hàng thì bạn không cần thiết phải cài plugin Shipping Viet Nam WooCommerce ở trên vì trong woocommerce đã có phần cài đặt cơ bản này.
  • Nếu sản phẩm của bạn có nhiều mức giá khác nhau hoặc giá trị lợi nhuận thấp không thể áp dụng các hình thức trên thì bạn nên cài đặt plugin trên. Vì plugin này có chức năng tích hợp mã tokel của nhà vận chuyển, hệ thống sẽ tự tính toán chi phí ngay sau khi khách hàng nhập địa chỉ của họ trên trang thanh toán và cộng dồn với tiền sản phẩm cho khách hàng luôn.
  • Woocommerce/Thiết lập: tại đây bạn sẽ cấu hình chung cho gian hàng như địa chỉ của bạn, đơn vị tiền tệ, định dạng đo lường như khối lượng, kích thước gói hàng, khu vực giao hàng, loại hình giao hàng, các hình thức thanh toán cho khách hàng, tài khoản & bảo mật, email, các tính năng nâng cao… cụ thể như sau:
    • Chung: bạn điền thông tin Địa chỉ cửa hàng.
      • Tùy chọn chung: giới hạn chỉ một số quốc gia bạn bán hàng như Việt Nam chẳng hạn. Mục địa điểm giao hàng bạn chọn “giao hàng đến tất cả các quốc gia bạn bán hàng tới”. Vị trí khách hàng mặc đinh bạn có thể chọn “theo định vị”. Bạn có thể bật tính thuế hoặc mã ưu đãi tùy bạn. Nhưng theo mình thì bạn nên bật mã ưu đãi thôi, nếu sản phẩm của bạn có tính thuế thì nên tính vào giá bán từ ban đầu luôn đỡ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.
      • Tùy chọn tiền tệ: bạn chọn Đồng Việt Nam (đ); vị trí tiền tệ là bên phải; ký tự ngăn cách phần ngàn là dấu “,” ; dấu cách phần thập phân là dấu “.” ; số chữ số phần thập phân bạn điền số 0. Bấm lưu thay đổi để lưu lại nhé.
    • Sản phẩm: bạn cài đặt một số mặc định cho sản phẩm, tại đây nó có 3 menu con là: chung, kiểm kê kho hàng và sản phẩm có thể tải xuống
      • Chung: ở phần Trang cửa hàng bạn chọn Shop; ở mục thêm vào giỏ hàng bạn có thể lựa chọn
        • Chuyển đến trang giỏ hàng sau khi bổ sung thành công: có nghĩa là khi khách đang ở trang danh mục sản phẩm bấm vào mua hàng thì khách hàng sẽ được chuyển thẳng đến trang giỏ hàng luôn. Thường thì mình ít khi tích vào nút này mà sử dụng nút dưới nhiều hơn.
        • Cho phép các nút AJAX thêm vào giỏ hàng trên lưu trữ: có nghĩa là khi khách hàng bấm vào mua hàng thì sản phẩm sẽ được thêm vào giỏ hàng và họ vẫn ở trang sản phẩm để có thể xem tiếp các sản phẩm khác. Họ có thể thêm nhiều sản phẩm vào giỏ hàng mà không bị chuyển thẳng đến trang giỏ hàng mỗi lần thêm.
        • Tại mục Đo lường bạn nên chọn đơn vị trọng lượng là Kg vì các đơn vị vận chuyển thường sử dụng đơn vị này như thế sẽ dễ đồng bộ dữ liệu và tính toán chi phí vận chuyển tự động hơn. Tương tự đơn vị kích thước bạn chọn là cm.
        • Đánh giá: bạn có thể cho phép khách hàng đánh giá đơn hàng sau khi hoàn thành đơn hàng hay không, tùy theo ý của bạn.
        • Nhớ bấm lưu thay đổi để lưu lại nhé.
      • Kiểm kê kho hàng:
        • Quản lý kho: bạn tích vào nút  Cho phép quản lý kho hàng
        • Thời gian trữ hàng: bạn có thể để là 60 phút hoặc lâu hơn tùy ý bạn. Đây là thời gian giữ hàng cho các đơn hàng chưa thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Khi đến giới hạn đơn hàng sẽ được hủy bỏ. Để trống để vô hiệu hóa nó và sản phẩm sẽ được hoàn lại kho hàng tồn để khách hàng khác có thể đặt hàng.
        • Thông báo: bạn tích cả 2 ô kiểm cho phép thông báo
        • Người nhận thông báo: bạn điền email của bạn vào, khi sản phẩm gần hết hàng hệ thống sẽ tự động gửi email thông báo cho bạn biết.
        • Ngưỡng sắp hết hàng: bạn có thể chọn một ngưỡng bất kỳ ví dụ như 2 hoặc 3 hoặc nhiều hơn tùy ý bạn.
        • Ngưỡng hết hàng: bạn điền 0
        • Trạng thái hết hàng: bạn có thể chọn ẩn sản phẩm đã hết hàng từ catalog, nhưng theo mình thì không nên.
        • Định dạng kho: bạn có thể chọn “chỉ hiển thị số lượng còn lại trong kho khi gần hết“. Khi khách xem sản phẩm đó nếu gần hết hàng hệ thống sẽ hiện dòng thông báo ví dụ: chỉ có 2 còn lại trong kho. Như thế khách hàng sẽ biết sản phẩm sắp hết hàng và cần mua ngay không người khác mua mất, giúp tăng tỷ lệ đặt hàng hơn.
      • Sản phẩm có thể tải xuống: mục này ít khi sử dụng, thường chỉ áp dụng với những trang web bán sản phẩm dịch vụ phần mềm, sách, … nếu bạn không bán các sản phẩm này thì có thể bỏ qua mục này.
    • Giao hàng: bạn nhìn ngay dưới chân của menu này nó có các tag sau:
      • Khu vực giao hàng: bạn bấm vào thêm khu vực giao hàng sẽ hiện ra một bảng bạn nhập các thông tin sau:
        • Tên vùng: bạn nhập Việt Nam
        • Khu vực: Việt Nam
        • Các phương thức giao hàng: bạn bấm vào thêm phương thức giao hàng nó sẽ hiện ra một bảng có 3 phương thức để bạn lựa chọn: đồng giá, giao hàng miễn phí, giao tại cửa hàng. Bạn có thể lựa chọn phương thức cho phù hợp và bấm vào nút Thêm phương thức giao hàng:
          • Đồng giá: nó sẽ áp dụng chung 1 giá phí vận chuyển cho tất cả mọi đơn hàng, nếu bạn chọn phương thức này nó sẽ hiện ra 1 bảng có 3 trường:
            • Tên phương thức: bạn đặt tên cho nó có thể là Đồng giá hoặc Giao hàng tiết kiệm …
            • Trạng thái thuế: bạn có thể để là Trống hoặc tính thuế tùy theo ý bạn, thường mình sẽ để là trống.
            • Chi phí: bạn đặt mức phí vận chuyển đồng giá cho mọi đơn hàng theo khả năng hỗ trợ được của bạn, có thể là 10000 hoặc 20000 hoặc 30000… Sau đó bạn bấm lưu thay đổi.
          • Giao hàng miễn phí: phương thức này sẽ có 4 trường để bạn cài đặt:
            • Tiêu đề: bạn tên tùy ý, mình thường đặt là Miễn phí vận chuyển
            • Điều kiện miễn phí giao hàng: bạn bấm vào danh sách xổ xuống nó sẽ có các lựa chọn cho bạn chọn:
              • N/A: nếu bạn bấm chọn lựa chọn này thì có nghĩa là khách sẽ được miễn phí vận chuyển mà không cần phải có điều kiện gì cả. Khi lựa chọn N/A thì các trường bên dưới cũng bị ẩn đi và bạn bấm lưu thay đổi là xong.
              • Một ưu đãi miễn phí giao nhận còn hiệu lực: phương thức này rất ít sử dụng nên bạn có thể bỏ qua.
              • Số lượng đặt hàng tối thiểu: nếu lựa chọn điều kiện này, thì bạn nhập số lượng đặt hàng tối thiểu vào ô bên dưới.
              • Giá trị đơn hàng tối thiểu hoặc một phiếu ưu đãi: bạn nhập vào ô bên dưới giá đơn hàng tối thiểu mà bạn muốn, mới được miễn phí vận chuyển. Trường hợp này khách hàng sẽ không được áp dụng đồng thời với phiếu ưu đãi.
              • Giá trị đơn hàng tối thiểu một phiếu ưu đãi: cũng tương tự như trên nhưng sẽ được áp dụng cùng với phiếu ưu đãi.
            • Số tiền đặt hàng tối thiểu: bạn nhập số tiền tối thiểu của đơn hàng là bao nhiêu mới được miễn phí vận chuyển vào.
            • Coupons discounts: nếu bạn tích vào nút Apply minimum order rule before coupon discount có nghĩa là bạn cho khách áp dụng quy tắc đặt hàng tối thiểu trước khi giảm giá phiếu thưởng.
      • Tùy chọn giao hàng: bạn lựa chọn các tùy chọn bên dưới sau đó bấm Lưu thay đổi nhé.
        • Tính toán: bạn nên tích vào Ẩn chi phí giao nhận cho đến khi địa chỉ được nhập
        • Địa điểm giao hàng: bạn nên tích vào Bắt buộc giao hàng tới địa chỉ thanh toán của khách hàng
        • Debug mode: phần này bạn bỏ qua không cần phải tích vào.
      • Loại hình giao hàng: bạn có thể bỏ qua trường này.
      • Giao hàng nhanh | Giao hàng tiết kiệm: bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 hoặc kích hoạt cả 2 đơn vị vận chuyển này. Đây là 2 đơn vị vận chuyển nhanh hàng đầu Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
        • Kích hoạt ship qua GHN: Nếu bạn muốn kích hoạt đơn vị vận chuyển nào thì bạn bấm vào nút tích này để kích hoạt nó.
        • Tiêu đề: bạn có thể để tên viết tắt của đơn vị vận chuyển đó để dễ nhận biết, nó sẽ được hiển thị cho khách thấy và lựa chọn khi đặt hàng. Ví dụ: GHN hoặc GHTK
        • Tên người gửi hàng: bạn đặt tên thương hiệu của bạn vào đó hoặc đặt tên trang web của bạn. Tên này sẽ được hiển thị trên bill dán vào đơn hàng gửi đi cho khách.
        • Địa chỉ: bạn nhập địa chỉ đầy đủ của bạn vào, địa chỉ này cũng được hiển thị trên bill gửi hàng.
        • Số điện thoại người gửi hàng: bạn nhập sđt của mình vào.
        • Tỉnh/Thành phố: bạn bấm vào danh sách và lựa chọn tỉnh/thành phố của bạn
        • Quận/Huyện: cũng tương tự như trên.
        • Xã/Phường: tương tự.
        • Token Giao Hàng Nhanh/Token Giao Hàng Tiết Kiệm: bạn bật tag trình duyệt mới đăng nhập vào tài khoản của bạn trên trang web của đơn vị GHN hoặc GHTK trong phần quản trị thông tin tài khoản của bạn ở đó sẽ có mã Token, bạn copy và dán vào trường này. Sau đó nhớ bấm Lưu thay đổi nhé.
    • Thanh toán: tại đây bạn có thể kích hoạt các hình thức thanh toán mà bạn muốn, thường thì mình hay sử dụng 2 hình thức là Chuyển khoản và Trả tiền mặt. Như thế sẽ thuận tiện hơn cho khách hàng lựa chọn. Ở cột Được bật: bạn tích vào nút nó hiện sáng màu tím là có nghĩa hình thức đó đã được kích hoạt, nếu không sử dụng bạn bấm vào cho nó tắt và bị mờ đi.
      • Chuyển khoản ngân hàng: bạn bấm vào cài đặt ở cột bên cạnh nó sẽ hiện ra một bảng chức năng để bạn cài đặt:
        • Bật/tắt: tích vào nút này có nghĩa là bật, bỏ tích là tắt.
        • Tiêu đề: bạn để mặc định của nó là Chuyển khoản ngân hàng.
        • Mô tả: bạn điền thông tin tài khoản ngân hàng của bạn vào đó, ghi ngắn gọn thôi vì nó được hiển thị trong trang thanh toán, ghi dài dòng và nhiều sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Chỉ nên để 1 tài khoản ngân hàng ở đây.
        • Hướng dẫn: nội dung ở đây sẽ được thêm vào “trang cảm ơn” và email sau khi khách hàng đặt hàng. Bạn có thể tham khảo một mẫu nội dung của mình như sau: “Cảm ơn bạn đã đặt hàng. Vui lòng thực hiện thanh toán vào tài khoản ngân hàng của chúng tôi ở bên dưới; sử dụng “Mã đơn hàng”(lấy ở khung bên cạnh) trong phần “Nội dung thanh toán” khi chuyển khoản. Đơn hàng sẽ được giao sau khi tiền đã chuyển.
        • Thông tin tài khoản: tại đây bạn có thể Thêm nhiều tài khoản ngân hàng của bạn, mỗi tài khoản là một hàng. Bạn có thể chỉ cần điền 3 trường: Tên tài khoản, Số tài khoản, Tên ngân hàng là được. Phần thông tin tài khoản này sẽ được hiển thị ở “trang cảm ơn” sau khi khách hàng đặt hàng thành công. Nhớ bấm lưu thay đổi nhé.
      • Trả tiền mặt khi nhận hàng: bạn bấm vào Cài đặt ở cột bên phải nó sẽ hiện ra một bảng chức năng tương tự như trên.
        • Bật/Tắt: như trên.
        • Tiêu đề: Trả tiền mặt khi nhận hàng
        • Mô tả | Hướng dẫn: Nhận hàng mới phải thanh toán
        • Bật các phương thức giao hàng: bạn bỏ trống trường này.
        • Chấp nhận cho các đơn hàng ảo: bạn tích vào nút chấp nhận COD nếu đơn hàng là ảo.
        • Bấm Lưu thay đổi.
      • Kiểm tra thanh toán | PayPal Standard: 2 hình thức này ít phổ biến ở Việt Nam nên bạn có thể tắt nó đi.
    • Tài khoản & bảo mật: tại đây bạn sẽ tích chọn hoặc bỏ chọn các quy định, quyền hạn mà bạn muốn. Tất cả đều mô tả rất dễ hiểu nên bạn có thể lựa chọn theo ý mình, mình sẽ đi nhanh qua phần này.
    • Email:
      • Email thông báo: bạn nhập email của bạn để nhận thông báo khi xử lý đơn hàng, hệ thống mặc định email ban đầu khi bạn cài đặt wordpress. Bạn có thể bổ sung thêm email để nhận thông báo cho tiện nếu nhiều người quản lý.
      • Tùy chọn email người gửi: các trường bên dưới sẽ xuất hiện trong email hệ thống gửi cho khách hàng sau khi họ đặt đơn hàng.
        • Tên người gửi: bạn có thể đặt thương hiệu hoặc tên công ty của bạn.
        • “Từ” địa chỉ: bạn nhập email của bạn vào đây, bạn nên tạo email liên quan đến thương hiệu hoặc email doanh nghiệp trông sẽ chuyên nghiệp hơn.
      • Mẫu email:
        • Ảnh đầu trang: bạn có thể bỏ trống hoặc nhập đường link ảnh logo thương hiệu của bạn vào đây.
        • Nội dụng cuối trang: bạn nhập thương hiệu hoặc tên công ty của bạn vào.
        • Màu cơ bản | Màu nền | Màu nền body | Màu chữ: bạn có thể lựa chọn tùy ý bạn hoặc để mặc định. Sau đó bấm lưu thay đổi nhé.
    • Kết hợp | Nâng cao: 2 trường này bạn có thể bỏ qua và để mặc định của hệ thống.
  • Woocommerce/Checkout Form: trong woocommerce mặc định không có mục này, mục này sẽ có sau khi bạn cài plugin Checkout Field Editor như mình nói ở trên.
    • Checkout Fields: trên trang thanh toán khi khách hàng đặt đơn thường sẽ có 2 phần điền form là thông tin thanh toán và thông tin nhận hàng. 2 trường này tương ứng với 2 phần Billing Fields và Shipping Fields.
    • Ở đây sẽ có đầy đủ tất cả các trường như họ tên, sđt, địa chỉ, tên công ty, email … Bạn có thể tắt một số trường như Tên công ty, email trong form điền thông tin cho khách hàng đặt hàng dễ dàng. Bạn bấm vào nút edit bên cạnh của các trường tương ứng nó sẽ hiện ra một bảng cho bạn cài đặt:
      • Label: bạn đặt tên cho trường đó khi hiển thị.
      • Placeholder: là mô tả được làm mờ đi như là một hướng dẫn cho khách hàng điền thông tin gì vào vị trí đó. Ví dụ như: Nhập email của bạn, Nhập địa chỉ chi tiết của bạn …
      •  
         
      • Nhớ bấm Save nhé.
      • Lưu ý: nếu bạn lỡ tay bỏ enabled của một trường nào đó, nút edit đã bị ẩn đi thì bạn có thể tích vào ô tích ở đầu hàng và kéo thanh cuộn xuống dưới bấm enable là sẽ kích hoạt nó trở lại được.
    • Bấm Save Change để lưu lại tất cả các cài đặt nhé.
  • Woocommerce/Đơn hàng: phần này chứa tất cả các đơn hàng mà khách hàng đặt hàng, bạn có thể điều chỉnh trạng thái của từng đơn hàng theo ý mình để theo dõi tình trạng xử lý đơn hàng dễ dàng hơn. Đồng thời với khách hàng đặt đơn hàng họ có tạo tài khoản thì khi đăng nhập vào tài khoản của họ, họ cũng theo dõi được các trạng thái hành trình đơn hàng để sắp xếp thời gian nhận hàng. Phần này khá dễ mình sẽ không nói sâu ở đây, bạn có thể tự tìm hiểu nhé.
  • Bạn có thể tạo vận đơn và đẩy đơn hàng trực tiếp sang bên vận chuyển, nhưng ở thời điểm hiện tại plugin chưa thực sự hoàn chỉnh nên khi bạn đẩy đơn sang bên nhà vận chuyển thì giá tổng đơn hàng sẽ chỉ tính giá của sản phẩm, còn phí vận chuyển bạn sẽ phải chịu. Nên mình khuyên các bạn tự set tay bên tài khoản của các nhà vận chuyển để đảm bảo đúng giá của đơn hàng và khách chịu phí ship nhé.

Bước 9: Thiết kế giao diện tạo website bán hàng online:

  • Bạn đăng nhập vào tenwebcuaban.com/wp-admin theo user và password mà bạn đã tạo ở bước 4 ở trên. Bạn sẽ làm việc và cấu hình cài đặt ở menu bên trái. Ở bước này mình sẽ không để ảnh minh họa ở đây để bài viết trông đỡ dài và nhẹ hơn, bạn đăng nhập vào website của bạn để xem các menu mà mình nói tới ở bên dưới nhé.

Tạo bộ khung cho website bán hàng online

  • Trước tiên bạn cần tạo một số “chuyên mục trong menu bài viết” và “danh mục trong menu sản phẩm” mà bạn sẽ bán hàng.
    • Chuyên mục: có ý nghĩa như là các chủ đề, để gom tất cả các bài viết nói về chủ đề đó vào một chuyên mục. Với một website bán hàng, dịch vụ thì bạn có thể tạo các chuyên mục như: tin tức, tư vấn, khuyến mại, … tùy theo mục đích của bạn.
    • Danh mục: tương tự như chuyên mục nó được tạo ra để gom các bài sản phẩm cùng chủ đề lại với nhau để dễ dàng quản lý và cho hiển thị các sản phẩm ra ngoài giao diện trang web. Ví dụ như: quần jean, áo thun, áo sơ mi, giày dép …
      • Lưu ý bạn cần viết thêm mô tả cho mỗi danh mục để giới thiệu về nó, viết title, description tối ưu seo. Cái này mình sẽ hướng dẫn các bạn chi tiết sau, vì ở đây mình đang hướng dẫn các bạn làm giao diện tạo website bán hàng trước để đỡ bị loãng.
  • Tiếp theo bạn cần tạo Main Menu hiển thị bên ngoài website, (có thể tạo thêm menu phụ như footer menu, top bar menu – nếu cần thiết) và các widget sidebar, footer.
    • Main Menu: bạn trỏ chuột vào phần Giao diện nó sẽ hiện ra một danh sách, bạn bấm vào Menu nó sẽ hiển thị ra một giao diện để bạn tạo menu. Thường theme flatsome sẽ có sẵn 1 Main menu bạn có thể chỉnh sửa thêm, xóa các mục theo ý mình.
      • Nếu chưa có main menu thì bạn bấm vào Tạo menu và đặt tên cho menu đó. Bạn có thể lựa chọn các mục ở phần Thêm liên kết tích vào ô lựa chọn và bấm vào “Thêm vào menu” nó sẽ chuyển các mục đó phần cấu trúc menu của bạn, tại đây bạn có thể kéo các mục sắp xếp cho hiển thị trước, sau, bên trong thì kéo lùi vào 1 ô.
      • Sau đó bạn kéo xuống bên dưới phần Thiết lập menu và tích vào ô “main menu” sau đó bạn bấm vào nút Lưu menu màu xanh. Vậy là bạn đã tạo được main menu thành công, trong quá trình vận hành website bạn có thể chỉnh sửa menu tùy ý.
    • Widget: bạn vào phần Giao diện/Widget sẽ thấy ở mục “Widget sẵn có” có rất nhiều chức năng, bạn bấm chuột vào chức năng muốn sử dụng kéo thả sang các phần sidebar, footer 1, footer 2, shop sidebar, product sidebar. Bạn có thể kéo thả tùy thích và ra giao diện trang tương ứng để xem nó hiển thị như thế nào.
      • Lưu ý là sau khi bạn đã tạo danh mục sản phẩm, chuyên mục bài viết, đăng bài tin tức, đăng bài sản phẩm rồi thì xem các widget hiển thị mới trực quan.
  • Để thiết kế một website bán hàng thì trước tiên bạn cần phải hiểu về cấu trúc thông thường của một website nó sẽ gồm các phần nào. Dưới đây mình sẽ liệt kê một số phần trong cấu trúc của một số website để bạn hiểu. Vì mỗi theme nó sẽ có có bố cục khác nhau, nên ở đây mình làm việc với theme flatsome nên mình sẽ giới thiệu về bố cục của theme này: bạn vào phần Giao diện bấm vào Tùy biến nó sẽ chuyển đến trang giao diện tùy chỉnh. Bạn nhìn vào danh sách bên trái tại đây chúng ta sẽ làm việc chính với một số chức năng sau:
    • Lưu ý sau mỗi chỉnh sửa hoàn chỉnh bạn nên bấm nút Đăng để lưu lại nhé để phòng những chỉnh sửa sau đó có bị sai thì bạn có thể bấm F5 để trở lại thời điểm trước đó bạn đã đăng, giờ thì chúng ta tìm hiểu các chức năng thôi:
    • Header: bạn bấm vào phần này nó sẽ hiển thị ra một danh sách con bao gồm một số mục sau:
      • Presets: là mẫu Header bạn sẽ sử dụng.
      • Logo & Site Identity: nơi bạn chèn logo thương hiệu của bạn và icon biểu tượng thương hiệu của bạn xuất hiện trên tag trình duyệt, mặc định sẽ là chữ W của wordpress, bạn cần thay nó. Bạn cần chuẩn bị sẵn 2 ảnh này: ảnh logo thương hiệu tùy bạn chọn kích thước nhưng không nên nhỏ quá hoặc lớn quá bạn có thể tham khảo kích thước của nhiều trang web trên mạng và tùy vào độ rộng của Header main của bạn.
      • Lưu ý: với 3 phần Top bar, Header main và header bottom ở dưới đây bạn chú ý nhìn sang khung bên phải phía dưới nó sẽ có các nút ghi tên chức năng của nó. Bạn bấm chuột vào các nút đó và kéo thả vào các vị trí top bar, header main hay header bottom bạn muốn. Với chức năng nào không sử dụng thì bạn kéo nó xuống thanh ngang dưới cùng là Not in user nó không hiển thị dòng chữ này đâu, bạn trỏ chuột vào nó mới hiển thị.
      • Top Bar: mặc định sẽ có các nut social, tài khoản, … bạn có thể để châm ngôn kinh doanh của bạn hoặc có thể không cần để top bar cũng được.
      • Header Main: bạn có thể để logo, thanh tìm kiếm, giỏ hàng, tài khoản.
      • Header Bottom: bạn có thể để menu main của bạn vào đây, bạn cũng có thể để main menu ở phần Top Bar ở trên, tùy theo ý bạn muốn thôi. Nếu menu của bạn dài thì nên đặt tách riêng ở phần này.
      • Header Mobile Menu/Overlay: bạn tùy chọn menu của bạn sẽ xuất hiện trên điện thoại như thế nào.
      • Tương tự các trường bên dưới bạn có thể tự tìm hiểu nhé, nó khá nhiều nên mình sẽ nêu ra một số cái chính bạn cần chỉnh sửa thôi.
    • Sau khi chỉnh sửa xong phần Header bạn bấm vào dấu quay lại < ở cạnh trái Header để trở về giao diện tùy chỉnh chính và tiếp tục làm việc với các chức năng bên dưới.
    • Style: tại đây bạn sẽ chỉnh sửa các thuộc tính hiển thị cho các khung viền, màu sắc, kích thước của chữ trên website:
      • Colors: nơi bạn chỉnh sửa màu sắc của các thanh menu, màu của chữ, màu đường link và màu ở phần shop. Đối với màu chữ, thường mặc định text trên trang web của bạn sẽ hơi nhạt bạn muốn nó đậm hơn thì vào phần Type chỉnh Base colorheadline color chèn mã màu #191919 vào là phù hợp. Tương tự phần link color bạn có thể chèn mã màu #1e73be vào.
      • Typography: ở các phần Headlines, Base, Navigation, Alt Fonts bạn chọn mục Font Family là Roboto, mục Variant là 500
      • 3 thuộc tính còn lại bạn có thể bỏ qua.
    • Footer: chỉnh sửa các phần dưới chân trang web
      • Footer 1: columns bạn có thể lựa chọn số cột muốn hiển thị thường 3 hoặc 4 cột tùy ý mỗi người.
      • Footer 2: tương tự như footer 1, nhưng phần Background color nên để màu khác đi một chút. Thường là các màu sẫm như màu xám hoặc đen nhạt. Phần Text color thì nên để màu chữ nổi trên nền sẽ dễ nhìn hơn.
      • Lưu ý bạn có thể bỏ hiển thị Footer 1 hoặc 2 nếu muốn bằng cách bỏ nút tích enable footer 1 hoặc enable footer 2 đi.
      • Absolute Footer: tương tự như 2 phần trên, ở mục Bottom Text – Primary bạn có thể chỉnh sửa chèn thương hiệu của mình vào thay vì để mặc định là text và link về trang của nhà cung cấp theme.
    • Woocommerce: chỉnh sửa các thuộc tính về cửa hàng, sản phẩm, thanh toán, tài khoản, …
      • Ảnh sản phẩm: trong phần Cắt ảnh: bạn tích vào nút radio  1:1 đây là tỷ lệ hiển thị ảnh sản phẩm của bạn theo dạng ảnh vuông. Tại sao bạn nên sử dụng ảnh với tỷ lệ này? Vì thứ nhất sau này tất cả các ảnh sản phẩm của bạn sẽ thống nhất theo 1 tỷ lệ nhất định ví dụ 800x800px hoặc 750x750px tùy ý bạn. Theo mình thì nên để 800x800px thì khi nhìn trên giao diện desktop trông sẽ đỡ bị hẹp bề ngang hơn, trông trang đỡ trống trải. Thứ hai là các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay đều sử dụng ảnh tiêu chuẩn là ảnh vuông để hiển thị. Bạn có thể sử dụng ảnh hiện tại để đăng bán hàng trên các sàn TMĐT mà không mất công resize ảnh và còn bị méo. Thứ 3 là sau này bạn chạy quảng cáo google shoping thì nó cũng hiển thị sản phẩm dạng ảnh vuông, nếu ảnh của bạn là ảnh chữ nhật nó sẽ bị xén ảnh mất góc cạnh làm cho ảnh quảng cáo của bạn trông xấu đi rất nhiều.
      • Danh mục sản phẩm: nếu bạn muốn menu xuất hiện ở bên trái hoặc bên phải của phần Main content thì có thể chỉnh sửa nó tại đây. Theo mình thì không nên để layout Danh mục sản phẩm ở sidebar trên giao diện trang chủ website bán hàng vì nó trông hơi xấu. Nó chỉ phù hợp với website dạng sàn TMĐT có rất nhiều danh mục sản phẩm để người dùng dễ tìm kiếm mà bố trí nó ở trên menu thì sẽ rất khó nên phải bố trí ở đây.
      • Các mục khác bạn có thể tìm hiểu thêm hoặc không cần chỉnh sửa gì cũng được.
    • Ngoài 4 chức năng chính ở trên còn có một số chức năng khác mà chúng ta rất ít khi phải sử dụng nên mình sẽ không giới thiệu ở đây.
  • Bạn có thể tạo một số bài viết, bài sản phẩm để có dữ liệu hỗ trợ cho việc thiết kế giao diện được trực quan hơn. Lưu ý wordpress hiện cập nhật bản mới nhất nó sẽ thay đổi giao diện thiết kế phần soạn thảo nội dung của các trang bài viết, bài sản phẩm sang dạng sửa khối rất khó làm việc. Bạn cần chuyển nó về dạng cổ điển giống như bản microsoft word 2003, bạn vào phần Cài đặt/Advanced Editor Tools (lưu ý trước đó bạn phải cài đặt plugin TinyMCE Advanced mà mình đã giới thiệu ở trên thì nó mới có mục này nhé). Sau đó bạn nhìn sang bên phải kéo thanh cuộn xuống dưới và tích vào ô
  •  
  • Vậy là bạn đã cấu hình xong trình soạn thảo nội dung. Bạn có thể tham khảo bài viết cách tối ưu bài viết chuẩn seo trước khi viết bài.

Tạo trang chủ cho website bán hàng online.

  • Bạn truy cập vào giao diện quản trị tenwebcuaban.com/wp-admin vào phần Trang/Tất cả các trang nó sẽ hiển thị ra tất cả các trang của bạn đang hoạt động.
  • Bạn tìm Trang chủ hoặc Trang mẫu trỏ chuột vào dưới chân của dòng đó sẽ hiện ra một số chức năng, bạn chọn Edit with UX Builder; tại đây bạn có thể sử dụng 1 template có sẵn để chỉnh sửa hoặc tự thiết kế các modul.
    • Nếu bạn chọn 1 template bất kỳ có sẵn nó sẽ hiển thị ra giao diện cho bạn chỉnh sửa: ở mục bên trái là danh sách các elements được tạo sẵn theo template, ở bên phải sẽ là giao diện trực quan được hiển thị tương ứng với từng elements bên trái. Bạn có thể click vào từng vị trí ở bên phải và nhìn sang bên thanh bên trái nó sẽ hiện thị ra các thuộc tính tương ứng với elements đó để bạn chỉnh sửa. Bạn có thể thực hành chỉnh sửa thoải mái để hiểu hơn về các chức năng đó.
    • Nếu tự thiết kế modul bạn bấm vào Add elements: mình khuyến khích các bạn nên tự thiết kế modul vì như thế sẽ không bị rối và theo chủ đích của bạn. Trang web của bạn cũng sẽ là trang độc nhất không bị trùng lặp cấu trúc với bất kỳ website nào trên mạng. Điều này giúp ích cho website bán hàng của bạn được các công cụ tìm kiếm đánh giá tốt hơn, dễ lên top trên các kết quả tìm kiếm hơn.
      • Bạn cần lên ý tưởng về giao diện cho website bán hàng online của bạn, bạn có thể search trên mạng các mẫu template đẹp để định hình cho giao diện website của mình.
      • Như ở phần tạo bộ khung cho website bán hàng ở trên chúng ta đã thiết kế được phần Header, Footer rồi. Nên phần thiết kế giao diện cho trang chủ chúng ta chỉ cần làm nốt phần Main content là xong. Vậy trong phần main content thường sẽ có những gì:
      • Slider: là phần chúng ta sẽ để các ảnh banner về các sản phẩm mới, hot, các chương trình khuyến mại lên.
      • Section: Hiển thị các sản phẩm theo các danh mục sản phẩm: có thể thêm các elements Title, elements Products
      • Section: Hiển thị các bài tin tức theo các chuyên mục (Không nhất thiết, tùy sở thích của mỗi người). Tương tự như section sản phẩm, bạn sẽ cần thêm các elements title và Blog posts
      • Nói chung là tùy theo ý tưởng của bạn bạn có thể thêm các elements hình ảnh, video, đánh giá, map, hồ sơ, … sao cho phù hợp với ý tưởng và nội dung website của bạn là được. Sau khi hoàn thiện các modul bạn bấm vào nút Update ở bên dưới để hoàn thành và hiển thị ra ngoài trang chủ.

Vậy là mình đã hướng dẫn các bạn đầy đủ các bước để có thể tự tạo cho mình một website bán hàng online chuyên nghiệp với đầy đủ các chức năng cần thiết rồi. Giờ bạn chỉ cần đăng thêm các bài viết, sản phẩm để hoàn thiện website hơn và theo dõi lượng khách hàng truy cập vào website của bạn.

Bài tiếp theo mình sẽ hướng dẫn các bạn tạo các form điền thông tin, form chat… Nhúng các mã google tagmanager, google analytic, google ads… Cài đặt cấu hình đo đạc chuyển đổi để chạy các hình thức quảng cáo như google ads, facebook ads, ads netword, cốc cốc ads, zalo ads… chủ động tìm kiếm khách hàng mục tiêu. Những cái này chuyên sâu hơn và đòi hỏi bạn cần có kiến thức khá rộng mới có thể học và hiểu được. Mình sẽ viết bài hướng dẫn chi tiết và cách thức triển khai trên blog này cho các bạn có thể học dần.